Facebook độc quyền cung cấp ảnh GIF toàn cầu, cơ quan quản lý Anh, Úc vào cuộc

Việc gã khổng lồ công nghệ Facebook mua lại công ty khởi nghiệp Giphy của Mỹ đã làm dấy lên những lo ngại về cạnh tranh độc quyền.

Từ lúc về tay Facebook, Giphy đã không cung cấp ảnh GIF cho các nền tảng mới nào Cơ quan Quản lý Cạnh tranh Thị trường của Vương quốc Anh (CMA) đã cáo buộc Facebook thống lĩnh độc quyền cung cấp ảnh GIF toàn cầu, khi mua lại công ty khởi nghiệp Giphy có trụ sở tại New York vào tháng 5/2020. Được định giá từ 300 đến 400 triệu USD, đây là một trong những thương vụ tương đối lớn trong lịch sử của Facebook, nhưng lại có sự giảm giá “khó hiểu” so với mức định giá 600 triệu USD của Giphy vào năm 2017. Trong một tuyên bố mới đưa ra, CMA cho biết họ đã nhận thấy rằng việc Facebook hoàn tất việc mua lại Giphy làm dấy lên lo ngại về cạnh tranh liên quan đến quảng cáo kỹ thuật số và việc cung cấp ảnh GIF trên các thị trường toàn cầu. Bởi thực tế, Giphy phân phối khoảng 10 tỷ GIF cho 700 triệu người mỗi ngày.  Và kể từ khi mua lại, Giphy đã không cung cấp ảnh GIF cho các nền tảng mới nào khác nữa. Với việc thâu tóm Giphy, người dùng Facebook, Messenger, WhatsApp và Instagram có thể chia sẻ, cũng như chỉnh sửa ảnh GIF dễ dàng hơn. Facebook cho biết khoảng 50% lưu lượng truy cập Giphy đến từ các dịch vụ của công ty. Cụ thể hơn, Giphy sẽ là một phần của nhóm Instagram và giúp người dùng chia sẻ ảnh GIF trong các câu chuyện (Instagram Story) và tin nhắn riêng tư dễ dàng hơn. Về phần người dùng Giphy, mọi thứ sẽ không có gì thay đổi. CMA cho biết, Giphy trước đây đã cạnh tranh với Facebook bên ngoài Vương quốc Anh thông qua quan hệ đối tác với các thương hiệu như Pepsi và Dunkin ‘Donuts, và cuộc cạnh tranh này ban đầu dự kiến sẽ được mở rộng sang Vương quốc Anh. Tuy nhiên, sau thương vụ thâu tóm này, các nhà quản lý lo ngại rằng Giphy giờ đây sẽ có “ít động lực hơn để mở rộng quảng cáo kỹ thuật số”, và Facebook sẽ tăng sức mạnh của mình so với các nền tảng đối thủ. CMA cho biết: “Thương vụ trên có thể gây hại cho các nền tảng truyền thông xã hội của đối thủ ở các thị trường, vì điều này có nghĩa là Giphy sẽ ngừng cung cấp ảnh GIF cho các công ty này hoặc chỉ chịu hợp tác nếu tuân thủ các điều kiện chèn ép khốc liệt mà Facebook đề ra”, CMA cho biết. Hiện tại, cả cơ quan quản lý cạnh tranh thị trường của Vương quốc Anh và Úc đều đưa ra tuyên bố xác nhận rằng, họ đang xem xét, điều tra thương vụ này.
Facebook độc quyền cung cấp ảnh GIF toàn cầu, cơ quan quản lý Anh, Úc vào cuộc - facebook 1 5
Ảnh: @Pixabay.
Các thương vụ thâu tóm đều đã được các cơ quan quản lý làm rõ, việc lật ngược lại chúng sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm – Facebook phản pháo Đây không phải là lần đầu tiên Facebook phải đối mặt với các cáo buộc chống cạnh tranh độc quyền. Vào tháng 12/2020, Tổng chưởng lý New York Letitia James đã công bố vụ kiện chống độc quyền lớn nhất nhằm vào Facebook. Vụ kiện cáo buộc Facebook đã làm ảnh hưởng tới sự cạnh tranh thị trường, bằng cách mua lại các công ty nhỏ hơn như Instagram hay WhatsApp, để loại bỏ mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh của mạng xã hội này. Có tới 47 Tổng chưởng lý của các tiểu bang và khu vực khác cùng tham gia vụ kiện này. Vụ kiện tập trung vào các thương vụ thâu tóm của Facebook, đặc biệt là thương vụ mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD vào năm 2012. Ngoài cáo buộc này, Tổng chưởng lý Letitia James còn cáo buộc Facebook sử dụng sức mạnh và phạm vi phủ sóng của mình để ngăn chặn người dùng tiếp cận với các dịch vụ cạnh tranh. Tổng chưởng lý Letitia James cho biết:“Trong gần một thập kỷ qua, Facebook đã sử dụng sự thống trị và sức mạnh độc quyền của mình để đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn và loại bỏ sự cạnh tranh. Facebook đã sử dụng những khoản tiền lớn để mua lại các đối thủ cạnh tranh tiềm năng, trước khi họ đủ lớn mạnh để đe dọa sự thống trị của công ty này”. Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ FTC cũng khởi kiện Facebook với lý do tương tự, được công bố cùng lúc với vụ kiện của các bang. Tuy nhiên, FTC có yêu cầu đặc biệt hơn, đó là hủy bỏ thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp, chuyển hai công ty này thành độc lập. Giám đốc cục cạnh tranh của FTC, ông Ian Conner cho biết:“Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Facebook, và khôi phục sự cạnh tranh để sự đổi mới và cạnh tranh tự do có thể phát triển mạnh”. Facebook nhanh chóng phản hồi, cho biết rằng cả hai thương vụ thâu tóm đều đã được các cơ quan quản lý làm rõ, và việc lật ngược lại chúng sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

Theo Businessinsider